Thành tích và sự nghiệp ca hát Ngọc Hạ

Bài viết hoặc đoạn này có văn phong hay cách dùng từ không phù hợp với văn phong bách khoa. Xin giúp Wikipedia bằng cách sửa đổi lại cho phù hợp.

Bước đầu Ngọc Hạ không nhận được sự khuyến khích từ gia đình trong lãnh vực văn nghệ. Tuy nhiên sau nhiều cuộc thi ca hát, mọi người đã động viên cô đi theo con đường nghệ thuật. Ngọc Hạ muốn được học thanh nhạc từ rất sớm vào những năm 15, 16 tuổi và sau đó quyết tâm theo hẳn nghề ca hát. Cô chọn tên Ngọc Hạ để ghi danh tham dự một cuộc thi hát. Lý giải cho tên này, cô giải thích trước khi đi hát Ngọc Hạ rất thích làm thơ, lấy bút danh là Thi Hạ, còn chữ Ngọc được lấy từ chữ lót của người bạn họ Lê "đứa em bà con cô cậu" của cô.

Cô đại diện tỉnh Đồng Nai dự thi hát nhạc truyền thống vào năm 95 và đoạt giải khuyến khích. Năm 1996, Ngọc Hạ được vào vòng chung kết giải "Tiếng Hát Truyền Thanh TP. Hồ Chí Minh". Năm 1997, cô đoạt giải nhì "Tiếng Hát Truyền hình Đồng Nai" và giải nhất "Tiếng Hát Truyền hình Bình Dương" và được vào vòng chung kết giải "Tiếng Hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh". Cũng trong năm 1997, Ngọc Hạ đoạt Huy Chương Bạc trong một cuộc thi dân ca do Nhà Văn Hóa Phụ Nữ Sài Gòn tổ chức với nhạc phẩm "Ru Con Bắc Bộ".

Khi còn ở Việt Nam, cô còn đoạt giải 3 "Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh" và đã nhiều lần xuất hiện trên những chương trình truyền hình như "Nhạc Chủ Đề", "Nhạc Truyền thống" và đặc biệt là chương trình "Nhịp Cầu Âm nhạc", là một trong những chương trình được nhiều người theo dõi.

Sau khi đến Mỹ vài tháng, Ngọc Hạ đã gửi CD thu thanh vài nhạc phẩm do cô trình bày đến một số trung tâm nhạc, nhưng ban đầu không có trung tâm nào giúp cô đạt được ước mơ. Mùa hè năm 2001, Ngọc Hạ gặp Nguyễn Ngọc Ngạn trong dịp một chương trình do Trung tâm Thúy Nga tổ chức tại San Jose và xin địa chỉ, sau đó gửi một CD mẫu sang Toronto để nhờ ông giới thiệu với trung tâm Thúy Nga nhưng thư bị bưu điện trả về. Sau vài lần khó khăn nữa, cô mới được Trung tâm Thúy Nga nhận ra tài năng và quyết định mời cộng tác vào năm 2002, từ chương trình Paris By Night 63.

Từ năm 2006, cô trở thành ca sĩ tự do. Ngoài Trung tâm Thúy Nga, cô còn cộng tác với Trung tâm Asia, Trung tâm Vân Sơn, Trung tâm Tình. Ca khúc đầu tiên cô hát cho Trung tâm Vân Sơn là Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương, được dàn dựng công phu với vũ đoàn Lạc Hồng trong DVD Vân Sơn 34 - Quê Hương Vùng Trời Kỷ Niệm năm 2006, là một thành công lớn của cô.

Khả năng của Ngọc Hạ bộc lộ rõ qua những nhạc phẩm mang làn điệu dân ca như: Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Mình ơi (Diệu Hương), Không thể và có thể, Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), Trăng rơi bên hồ (Nhật Trung). Cùng với những tình khúc như Buồn tàn thu (Văn Cao), Từ giọng hát em (Ngô Thụy Miên), Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc), Bài hát ru mùa đông (Dương Thụ), cô chứng tỏ mình không bị gò bó trong một thể loại cụ thể nào và "biến hóa trong tất cả các cung bậc biểu cảm", lúc nhẹ nhàng sâu lắng trong các bài pop ballad, lúc tràn đầy năng lượng khi hát ở quãng rất rộng trong Dòng sông xanh (Le beau Danube blue, Lời Việt của Phạm Duy), và đầy kịch tính với Con cò (Lưu Hà An) với phong cách rock mang chất liệu dân gian, "Trên đỉnh Phù Vân" (Phó Đức Phương) với chất chầu văn hiện đại. Ngọc Hạ chinh phục được khán thính giả với tiếng hát trong trẻo và nghệ thuật diễn tả tình cảm qua những ca khúc do cô trình bày, cũng như "bằng giọng hát trau chuốt, những đoạn lên cao được vuốt thật ngọt". Cô chọn lọc ca khúc kỹ càng, thường là những bản nhạc có thể chuyên chở tình cảm quê hương, con người với lời lẽ mượt mà, hoài niệm và tìm cho mình nét riêng trong việc hát lại những nhạc phẩm vang bóng một thời